TIN NỔI BẬT
Hỗ trợ khách hàng
Hỗ trợ trực tuyến
Chính thức khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Báo Xây dựng - 10/02/2016 10:25:13 SA       

(Xây dựng) - Ngày 8/2, tại Trạm thu phí Dầu Giây (Km 52+300), ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tổ chức Lễ thông xe và đưa vào khai thác Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

 

Đây là tuyến đường nằm trên tuyến cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM nối QL51, sân bay quốc tế Long Thành và QL1A. Dự án đi qua địa phận của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

 

Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển... đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các vùng lân cận phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực... Tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km, được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (đoạn An Phú - Vành đai II): Thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng khẩn cấp 2x3m.

 

Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây): Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100km/h; Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m; phần mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m. Tổng mức đầu tư giai đoạn I: 20.630 tỷ đồng.

 

Nguồn vốn: vay OCR của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640,3 triệu USD và vốn đối ứng. Dự án đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là hơn 437hta; đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng; di dời nhiều công trình công cộng. Dự án phải thi công nhiều hạng mục trên nền địa chất, thủy văn phức tạp với khối lượng lớn gồm 32 cầu (với chiều dài 17,5km).

 

Đặc biệt cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam; Dự án xây dựng 4 nút giao, 01 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 03 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. Xử lý đất yếu với chiều dài 18 km bằng các biện pháp tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, mới được áp dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công như: cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không, độ lún có khu vực đến 2,4m... tương ứng với các khối lượng chính khoảng: hơn 6,5 triệu m3 đào đắp; gần 850 nghìn m3 cấp phối đá dăm; gần 700 nghìn tấn bê tông nhựa các loại; hơn 270 nghìn mét dài cọc khoan nhồi; hơn 80 nghìn tấn thép; hơn 3.200 phiến dầm BTCT DƯL các loại; hơn 400 nghìn mét dài bấc thấm; hàng trăm nghìn m2 xử lý hút chân không và hơn 200 nghìn mét dài cọc đất gia cố xi măng....

 

Ngoài ra, do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng dự án phức tạp, trong quá trình khảo sát, thiết kế Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của Dự án, điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực..., giảm chi phí xây dựng của dự án so với phương án dự kiến ban đầu khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

 

Mặc dù Dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương bị chậm, tuy nhiên được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan và các cấp chính quyền cơ sở của hai địa phương cùng với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, ngày 02/01/2014 đoạn từ Vành đai II đến QL51 dài 20Km đã thông xe đưa vào khai thác. Ngày 10/01/2015 đưa vào khai thác thành phần I của Dự án dài 4km từ nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành đai II (quận 9) vượt tiến độ thi công 6 tháng.

 

Sau 1 năm đưa vào khai thác đoạn tuyến đã đảm bảo phục vụ cho hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn và thông suốt. Tiếp theo đây, đoạn từ nút giao QL51 đến nút giao Dầu Giây dài 30km sẽ được đưa vào khai thác.

 

Như vậy với 9/9 gói thầu được thông xe với chiều dài 55km đường cao tốc của Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần rất lớn đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các vùng lân cận phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực Đoạn từ nút giao QL51 đến nút giao Dầu Giây có lý trình từ Km23+900 - Km54+984, thuộc phạm vi gói thầu xây lắp 5A và 6 do ADB tài trợ; nhà thầu thi công là Cty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng POSCO; Cty TNHH Xây dựng và kỹ thuật HanShin đều là các nhà thầu có kinh nghiệm từ Hàn Quốc thi công xây dựng.

 

Tư vấn thiết kế: Liên danh Nippon Koei Co., Ltd - KRI International Corp. (Nhật Bản), Tư vấn giám sát: CDM Smith INC (Mỹ). Gói thầu xây lắp số 5A được khởi công vào tháng 12/2013, sau một thời gian nỗ lực thi công, gói thầu đã suất xắc hoàn thành vượt tiến độ 10 tháng. Gói thầu xây dựng đường, cầu với khối lượng các hạng mục thi công lớn bao gồm 13,9km trong đó chủ yếu là phần đường đắp cao, có 03 cầu chính và 01 cầu vượt với tổng chiều dài cầu 240m, 07 cống hộp dân sinh, 18 cống thoát nước, 02 cống hộp kỹ thuật, bố trí hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng và các công trình phụ trợ…

 

Với khối lượng chính khoảng: hơn 900 ngàn m3 đất đắp; 88 ngàn m3 đất đào; 228 nghìn m3 cấp phối đá dăm; trên 180 nghìn tấn bê tông nhựa các loại; 90 dầm I BTCT DƯL, 18 dầm hộp bản rỗng. Đặc biệt, phải xử lý đoạn tuyến có địa chất không ổn định, sụt trượt bằng giải pháp tường chắn rọ đá…

 

Gói thầu xây lắp số 6 được khởi công vào tháng 10/2010. Gói thầu dài 17km, xây dựng 9 cầu trên tuyến và cầu vượt với tổng chiều dài cầu 840.6m, 07 cống hộp dân sinh, 57 cống thoát nước, 07 cống hộp kỹ thuật, 01 nút giao (nút Dầu Giây giao QL1A - dạng nút giao hoa thị). Với khối lượng chính: Hơn 1,666 triệu m3 đất đắp, 1,0 triệu m3 đào; gần 310 nghìn m3 cấp phối đá dăm; 252 nghìn tấn bê tông nhựa các loại; hơn 120m dài dầm hộp, 108m dầm bản đổ tại chỗ và 134 phiến dầm BTCT dự ứng lực các loại, gần 5.700 m dài cọc khoan nhồi.

 

Để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường vào khai thác, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với các cơ quan: Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.

 

Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55km đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP.HCM như đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22km, với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ.

 

Nếu đi trên cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút, do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc. Từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao QL1A hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (Khu vực Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc.

 

Nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20Km và thời gian chỉ còn 1 giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây, đồng thời giảm 20% đến 30% chi phí vận tải.

 

Lê Mỹ

Tin mới hơn
Tin cũ hơn